Sẽ có thêm nhiều giám đốc ‘Chí Phèo’ nợ thuế
Mới đây, bạn Hà Lê đã chia sẻ trên Vnexpress một bài viết rất hay về Thuế Doanh nghiệp. Tôi xin chia sẻ lại với các bạn.
Doanh nghiệp đã quá khốn khổ với các vấn đề về lạm phát và tín dụng rồi. Nhà nước cũng đừng mạnh tay quá mà dồn doanh nghiệp vào hoàn cảnh bức bí để rồi sẽ có thêm nhiều anh giám đốc “Chí Phèo” nợ thuế, nợ thêm cả tiền phạt vi phạm hành chính nữa.
Gần đây theo dõi tình hình nghe chừng Bộ Tài Chính có vẻ đang rất hăng hái để tăng mức phạt vi phạm về thuế, kiểu “tăng mức phạt lên gấp đôi rồi đấy, doanh nghiệp liệu hồn mà làm cho đúng, khai cho đủ, không là chết vì nộp phạt tiền thuế đấy”.
Nhưng các bác ở trên mây xanh kia có biết rằng ở dưới cái mớ đất đá lổn nhổn kia, doanh nghiệp đang ngày đêm vật vã xoay xở để tồn tại.
Vẫn biết rằng hiện nay không ít doanh nghiệp sinh ra với “dã tâm” chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước hay trốn thuế, buôn bán hóa đơn, nhưng nếu so sánh với khối lượng khổng lồ các doanh nghiệp tại VN bây giờ thì đấy vẫn là một tỷ lệ nhỏ, đa phần các doanh nghiệp vẫn mong muốn ổn định làm ăn và tìm kiếm cơ hội để phát triển.
Với quá nhiều thủ tục hành chính với kỷ lục về thời gian trung bình cho việc thực hiện các nghĩa vụ thuế của 1 DN trong 1 năm là hơn 1000 giờ (tương đương với 125 ngày làm việc). Nếu so sánh với Singapore là 84 giờ thì mới thấy DN VN “hạnh phúc” tới mức nào.
Đành rằng sai thì phải chịu, làm ăn trung thực thì không việc gì phải sợ thuế cả (!), nhưng cứ thử kinh doanh đi rồi sẽ biết. Có quá nhiều phần chi phí không được hạch toán vào sổ sách chính tắc, nhiều giao dịch “under table”,…thì đấy là những bài toán rất khó cho DN khi hạch toán lỗ lãi.
Ngoài ra, phải thú thật về chất lượng đào tạo tại VN, cụ thể trong trường hợp này là ngành kế toán. Sinh viên VN vốn thông minh và chịu khó, nhưng 10 bạn học ngành kế toán thì khi ra trường chắc chỉ được vài bạn biết các phần việc cụ thể phải làm hàng tháng của bộ phận kế toán là những gì, cái tờ hóa đơn VAT nó ra làm sao, các loại sổ sách cần phải có, rồi phân biệt nguồn vốn- tài sản thế nào…
Đặc biệt, kế toán là nơi trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ để sinh ra những con số báo cáo thuế, là nơi thực hiện các nghĩa vụ hành chính thuế, nhưng không nhiều các bạn nắm được quy trình cơ bản này.
Thế nên có rất nhiều trường hợp, các công ty nhỏ, thuê các kế toán viên là sinh viên vừa mới ra trường, để rồi một hai năm sau mới phát hiện ra là công ty mình đang có nguy cơ phải chịu phạt lên tới cả trăm triệu chỉ vì kế toán không nộp cái này cái kia (do không biết) trong một thời gian dài hoặc xuất hóa đơn sai.
Lúc đó thì sống dở chết dở, các bạn kế toán cũng tốt nghiệp các trường hàng đầu về kinh tế đấy chứ, nhưng ở trường có ai dạy các bạn ấy về xuất hóa đơn như thế nào đâu. Văn bản quy định thì cũng nhiều vô kể, lại ban hành ra liên tục, bảo các bạn tự “update” thì hình như nhà trường cũng chả luyện nhiều cái kỹ năng đó.
Tôi đã từng gặp nhiều bạn kế toán mếu máo đến nhờ xử lý giúp các bạn ấy, để xin giảm phạt, xong còn làm tiếp để trả nợ cho công ty… Nhưng lực bất tòng tâm, luật đã quy định thế, có xin xỏ khóc lóc cũng đành chịu. Chỉ thấy thương, và bất lực…
Cũng vì lý do tương tự đó mà giải thích tại sao ở VN, đặc biệt ở HN bây giờ có quá nhiều doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích.
Đây là cụm từ để chỉ các doanh nghiệp không còn hoạt động mà không khai báo với cơ quan thuế, để lại một đống nợ thuế lẫn nợ tiền phạt, thông thường các trường hợp này hay được ngầm hiểu là các công ty ma, lập ra để bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền VAT và sau đó thì mất hút.
Những đối tượng này sẽ vĩnh viễn được đưa vào “sổ đen” vì “thành tích bất hảo” đó. Nhưng không phải tất cả các anh trong danh sách này đều “đểu cáng”.
Vì có những anh vẫn rất muốn hoạt động, có anh còn đang trên đà làm ăn khá, nhưng vì lỗi bên phần thực hiện các thủ tục hành chính thuế (lý do thì ti tỉ loại, nhưng có thể kể đến một vài lỗi như đã nói ở trên), thế là bị phạt, tầm khoảng vài chục đến vài trăm triệu.
Của đáng tội, làm ăn đã được bao nhiêu đâu mà giờ bỏ ra ngần đấy tiền nộp phạt. So sánh với việc mở một công ty chỉ mất vài triệu, thôi hay là ta dừng công ty cũ lại, mở cái mới cho xong. Kiểu này là phạm tội do “dòng đời xô đẩy”, cứ thế mà danh sách các công ty bỏ trốn mất tích cứ thế càng ngày càng dài thêm.
Đội ngũ cán bộ tham gia công tác quản lý thuế đã mỏng nay lại càng khổ cực hơn với việc làm thông báo bỏ trốn mất tích, số lượng mã số thuế treo trên hệ thống mà không đóng cửa nổi lại càng nhiều.
Không bàn đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của công chức thuế vốn để lại nhiều điều tiếng từ trước đến nay, cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, ở một số bộ phận quản lý thuế bây giờ công việc đang quá áp lực, khi họ cũng bị quá tải bởi các các thủ tục và quy định hành chính.
Như một cái vòng luẩn quẩn, từ những cô bé kế toán viên non nớt cho đến những anh giám đốc vô tình được gắn mác “bỏ trốn”, rồi câu chuyện chị cán bộ quản lý thuế hay cáu bẳn, dữ dằn, và cuộc hội nghị bàn thảo về sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế giữa các chuyên viên cấp Bộ, tất cả vẽ nên một bức trang đa sắc màu, và đôi khi quá rối rắm.
Dù sao đi nữa, theo quan điểm của người viết, việc tăng mức phạt với mục đích gò doanh nghiệp vào khuôn khổ, khiến họ tuân thủ pháp luật về thuế hơn không phải là một biện pháp hợp lý ở thời điểm bây giờ.
Doanh nghiệp đã quá khốn khổ với các vấn đề về lạm phát và tín dụng rồi. Nhà nước cũng đừng mạnh tay quá mà dồn doanh nghiệp vào hoàn cảnh bức bí để rồi sẽ có thêm nhiều anh giám đốc “Chí Phèo” nợ thuế, nợ thêm cả tiền phạt vi phạm hành chính nữa. Khó đòi lắm, lại khổ cán bộ ở dưới thêm thôi.
Bản thân người viết may mắn được nhìn cận cảnh một phần những khó khăn thực tế của cả doanh nghiệp lẫn cán bộ trực tiếp thực hiện công việc, thấy được những nỗ lực của một số nhà lãnh đạo tâm huyết, và rất nhiều bạn công chức trẻ trên hành trình “giảm xấu” hình ảnh của cơ quan công quyền.
Sau gần ba năm đứng song song trên cả hai vị trí khác nhau, cái nhìn của tôi có nhiều phần cảm thông và khách quan hơn trước rất nhiều. Có thể người ngoài cuộc dễ dàng đưa ra nhiều phán xét và nhận định về cả một hệ thống công quyền cồng kềnh và có phần “hỗn loạn” như ngành thuế.
Nhiều người bảo giỏi thì còn làm nhà nước làm gì cho nó khổ (!), nhưng tôi tin mỗi người đều có một định hướng.
Dù có làm gì đi nữa thì vẫn phải luôn làm hết trách nhiệm và giữ gìn được đạo đức nghề nghiệp. Khu vực tư nhân cũng như cả nền kinh tế sẽ chẳng thể nào phát triển được nếu khu vực nhà nước cứ mãi lạc hậu và trì trệ.
Bản thân tôi vẫn hi vọng vào một sự nghiệp hiện đại hóa thực sự, nơi trí tuệ được đặt đúng chỗ hơn và doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn, các đơn vị tư vấn hoạt động có lương tâm hơn, chuyên nghiệp hơn và nhờ đó kiếm được những đồng tiền có ý nghĩa hơn.
Hà Lê