WHO: Tăng thuế- cách hiệu quả nhất giảm hút thuốc lá
Mặc dù thuốc lá có tính chất gây nghiện nhưng nhu cầu tiêu dùng thuốc lá cũng vẫn có sự thay đổi theo giá. Giá cao trước hết sẽ ngăn ngừa việc bắt đầu hút thuốc, khuyến khích những người đang hút thuốc giảm mức độ tiêu thụ hoặc bỏ hẳn và có thể giúp những người đã bỏ thuốc khỏi hút lại.
WHO lưu ý các biện pháp kiểm soát thuốc lá có khả năng đảm bảo hiệu quả trong các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao, phù hợp với giai đoạn 2 hoặc 3 của đại dịch thuốc lá. Các quốc gia này bao gồm Argentina, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ecuador, Georgia, Guatemala, Hungary, Nepal, Peru, Sri Lanka và Việt Nam.
Theo tư liệu của WHO, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá ở một số quốc gia EU được quy định khá cao. Ví dụ, ở Anh, tỷ lệ thuế chỉ là 79%, tuy vậy với tỷ lệ này giá bán lẻ là 6 USD/bao thuốc lá; ở Phần Lan, tỷ lệ thuế là 76% tuế thì tương đương với 4 USD/bao thuốc lá.
Ngân hàng Thế giới (WB) từng công bố một báo cáo toàn diện xem xét ích lợi và chi phí của việc kiểm soát sử dụng thuốc lá. Theo báo cáo, điều tiết giá thuốc là cách khuyến khích mạnh mẽ nhất cho việc từ bỏ thuốc lá.
Một nghiên cứu gần đây tại Bangladesh, Indonesia, Nepal, Sri Lanka và Thái Lan thấy rằng, giá thuốc lá cao hơn dẫn đến giảm tiêu thụ thuốc lá. Theo đó, việc gia tăng giá 10% đối với thuốc lá dẫn đến giảm tiêu thụ 5% về ngắn hạn và giảm 7% về dài hạn. Hiện tượng này đặc biệt diễn ra mạnh mẽ trong nhóm người có thu nhập thấp, giới trẻ và phụ nữ.
<<Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện là một trong 15 quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Thực tế này đã dẫn đến có đến 62% ca tử vong tại Việt Nam có liên quan đến thuốc lá. >>
Sau khi xem xét các bằng chứng, WB đã kết luận rằng, trung bình tăng giá 10% sẽ làm giảm 4% nhu cầu đối với các sản phẩm thuốc lá ở các nước thu nhập cao và khoảng 8% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Thuế cao hơn cũng có thể đem lại doanh thu cho Nhà nước và vì vậy, Nhà nước có kinh phí để thực hiện và thực thi chính sách kiểm soát thuốc lá cũng như chi phí y tế công cộng và các chương trình xã hội. Ở các nước, với các thông tin có sẵn, thu nhập từ thuế thuốc lá cao hơn 500 lần so với chi tiêu về kiểm soát thuốc lá. WHO đưa ra con số cụ thể năm 2008: với 3,8 tỷ người sống trong những quốc gia có thu nhập trung bình thấp, tổng chi tiêu quốc gia để kiểm soát thuốc lá chỉ là 14 triệu USD/năm nhưng doanh thu thuế thuốc lá cho các quốc gia là 66,5 tỷ USD.
Có thể lấy trường hợp tăng thuế thuốc lá tại Thái Lan làm “bài học kinh nghiệm”. Từ năm 1994 đến 2012, chính phủ Thái Lan thực hiện 10 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, từ 15 Bath/bao lên 65 Bath/bao, làm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 59,33% năm 1991 xuống còn 41,69% vào năm 2011. Đối với nữ giới, tỷ lệ hút thuốc sau tăng thuế thuốc lá giảm từ 4,95% năm 1991 xuống còn 2,14% năm 2011; số thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc giảm đáng kể. Việc tăng thuế đã giúp nguồn thu ngân sách từ thuế tăng từ 20 tỷ Bath (gần 616 triệu USD) năm 1994 lên 60 tỷ Baht (1,843 tỷ USD) năm 2012 dù mức tiêu thụ thuốc lá giữ nguyên (khoảng 2 tỷ bao/năm do dân số tăng). Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn người tránh được tử vong sớm vì thuốc lá và đặc biệt không làm gia tăng buôn lậu thuốc lá.
Tại Brazil, từ năm 2006 tới năm 2013, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng 116%, giá thuốc lá thực tế trung bình tăng 74%. Trong giai đoạn này, doanh số bán thuốc lá trong nước giảm 32% và doanh thu của Chính phủ từ các loại thuế thuốc lá tăng từ 3,5 tỷ Reais lên 5,1 tỷ Reais.
Năm 2006, Brazil có 15,7% dân số trưởng thành hút thuốc lá. Sau khi tăng thuế, đến năm 2013, tỷ lệ này chỉ còn 11,3% – giảm hơn ¼.
Từ năm 2005 tới 2011, thuế thuốc lá ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng từ 58% lên 195%. Trong cùng thời gian trên, doanh số bán thuốc lá giảm 15,5% và doanh thu của Chính phủ tăng 124% (từ 7,1 tỷ Lira năm 2005 lên 15,9 tỷ Lira năm 2011). Việc tăng thuế thuốc lá làm giảm hơn nửa triệu người hút thuốc và cứu sống được khoảng 340.000 người.