Có cần miễn giảm thuế để cứu Doanh nghiệp?

Theo Vnexpress, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết bộ đang tiến hành phân tích khảo sát để đánh giá chính xác mức độ khó khăn của doanh nghiệp, từ đó cùng với các cơ quan khác của Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Sáng 5/4, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị học tập, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 cho biết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang là vấn đề được Chính phủ cũng như Bộ đặc biệt quan tâm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như sản xuất công nghiệp của toàn nền kinh tế tăng chậm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Một thông tin khác đó là số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản trong quý một đã lên tới gần 12.000.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết quan điểm của Bộ Tài chính là phải nuôi dưỡng nguồn thu. Ảnh: Nhật Minh
Áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế cần cân nhắc giữa nhu cầu tháo gỡ cho doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Ảnh: Nhật Minh

“Đúng là doanh nghiệp đang khó khăn”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho hay. Tuy vây, ông cũng cho rằng để đánh giá một cách chính xác mức độ khó khăn nói trên, nhất thiết phải có một khảo sát, đánh giá toàn diện về thực trạng doanh nghiệp. Yêu cầu này vừa được Bộ Tài chính cụ thể hóa bằng quyết định thành lập một tổ công tác, gồm đại diện của Viện Chiến lược, Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ Ngân sách, Ủy ban Chứng khoán… nhằm tiến hành rà soát tình hình thực tế Doanh nghiệp.

Theo đề xuất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tại báo cáo gửi Chính phủ, trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn về tiếp cận vốn, sản xuất đình trệ, cần có phương án tiếp tục hỗ trợ khu vực vừa và nhỏ thông qua việc giãn, giảm thuế. Bên cạnh đó, cần có hướng mở rộng hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp lớn, có khả năng phát triển bằng cách cho vay mới để phục vụ tái cơ cấu.

“Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì việc xây dựng các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở góc độ của thuế và hải quan, Bộ Tài chính cũng nắm được tương đối chính xác tình hình hoạt động của họ. Chính vì vậy mà chúng tôi đang tiến hành thống kê, từ đó đề xuất các giải pháp thích hợp”, Bộ trưởng cho hay. “Số liệu tháng 3 rất quan trọng vì 2 tháng trước đó bị ảnh hưởng khá nhiều bởi Tết. Sau 20/4 sẽ có số liệu này nên việc đánh giá sẽ kết thúc vào cuối tháng”. Mặc dù chưa có số liệu chính thức trong tay nhưng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, bên cạnh động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, các giải pháp tài chính về thuế, phí cũng đang được cân nhắc. Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp đã được giãn các khoản thuế thu nhập phải nộp trong quý I đến tháng 7 và tương tự sẽ được áp dụng trong quý II. Riêng việc miễn giảm thuế và các giải pháp khác, Bộ trưởng cho biết cơ quan này đang cân nhắc và có thể đề xuất Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.

“Quan điểm của Bộ là phải tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ chính sách, vốn, tài chính cho doanh nghiệp. Nhưng hỗ trợ thì phải đúng địa chỉ. Nhiều doanh nghiệp ảo, hay thấy khó khăn quá phải rút lui thì cũng là chuyện bình thường”, Bộ trưởng nhận định.

Bên cạnh việc hỗ trợ thuế, đại diện Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang gấp rút hoàn tất việc xây dựng, sửa đổi Luật Quản lý thuế theo hướng thuận tiện hơn cho Doanh nghiệp nhưng cũng giảm thiểu thất thu ngân sách.

Một ví dụ được Bộ trưởng Vương Đình Huệ đưa ra là thuế xuất nhập khẩu. Theo đó, hiện thời gian ân hạn đối với các khoản thuế nộp chậm khá dài, là kẽ hở để nhiều doanh nghiệp lợi dụng, chiếm dụng vốn của Nhà nước (đặc biệt trong các trường hợp tạm nhập – tái xuất). Trong luật mới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ quy định chặt hơn theo hướng doanh nghiệp phải có bảo lãnh mới được ân hạn nộp thuế.

“Làm như vậy tất nhiên sẽ khiến doanh nghiệp mất thêm khoản chi phí bảo lãnh. Nhưng nếu theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp nộp thuế ngay từ khi mở tờ khai nhập khẩu thì sẽ không phải ân hạn, không phải chi thêm khoản nào cả”, Bộ trưởng phân tích.

Nhật Minh

Tin bài lấy từ Vnexpress.net